Đại lý thuế Trường Thịnh kính gửi tới khách hàng nội dung những điểm mới trong chính sách Thuế tháng 7/2020 như sau:

 

I/ Về Thuế giá trị gia tăng (GTGT):

       
1. Về thuế GTGT đối với hoạt động bán xe buýt của đơn vị vận tải:

       Tổng cục Thuế có công văn số 2741/TCT-CS ngày 03/07/2020 hướng dẫn Công ty cổ phần vận tải thương mại và du lịch Đông Anh về chính sách thuế.

Theo đó, trường hợp Công ty bán xe buýt cho đơn vị khác thì Công ty thực hiện lập hóa đơn theo hướng dẫn tại điểm 1, Phụ lục 4 Ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính.

Thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại khoản 16 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì không được khấu trừ.

 

2.Về thuế GTGT đối với hoạt động đào tạo kỹ năng:

        Tổng cục Thuế có công văn số 2671/TCT-CS ngày 29/06/2020 hướng dẫn Cục Thuế TP Đà Nẵng về chính sách thuế GTGT.

Theo đó,dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Tại Nghị định số 143/2016/NĐ-CP có quy định Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với doanh nghiệp.

 

3. Công văn số 2777/TCT-CS ngày 08/7/2020 về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của Công ty TNHH MTV sản xuất ô tô Thaco – Mazda:

          Tổng cục Thuế đã có công văn số 5227/TCT-CS ngày 13/12/2019 gửi Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đề nghị báo cáo quá trình xử lý hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư của Công ty TNHH MTV sản xuất Ô tô Thaco- Mazda. Ngày 20/12/2019, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã có công văn số 9770/CT-TKT2 báo cáo Tổng cục.

Căn cứ quy định tại điểm 2 và điểm 3.c Khoản 3 điều 1 Thông tư số 130/2016/TT BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư.

Căn cứ hướng dẫn tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại các Thông tư của Bộ Tài chính) về quản lý thuế.

Căn cứ các quy định nêu trên, việc Công ty TNHH MTV sản xuất ô tô Thaco – Mazda tại thời điểm hoàn thuế giá trị gia tăng chưa góp đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì không đủ điều kiện để được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư theo quy định.

          Đề nghị Cục Thuế tỉnh Quảng Nam truy hoàn số tiền thuế GTGT đã hoàn cho dự án đầu tư của Công ty TNHH MTV sản xuất Ô tô Thaco – Mazda khi chưa góp đủ vốn điều lệ theo đúng quy định của pháp luật về quản lý thuế. Việc hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của Công ty TNHH MTV sản xuất ô tô Thaco – Mazda khi góp đủ vốn điều lệ theo đúng quy định pháp luật.

 

4. Công văn số 2701/TCT-KK ngày 01/7/2020 về hoàn thuế GTGT khi sáp nhập doanh nghiệp:

          Trường hợp Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế do sáp nhập doanh nghiệp, hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT từ tháng 09/2018 đến tháng 03/2019, hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT tháng 04/2019 của Công ty TNHH Hoshino (Việt Nam) (sau đây gọi tắt là Công ty) có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và đã thực hiện kiểm tra thuế tại Công ty theo Quyết định kiểm tra số 1741/QĐ-CT ngày 26/8/2019 thì Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh xác định đầy đủ, chính xác nghĩa vụ thuế của Công ty TNHH Hoshino (Việt Nam) phải hoàn thành trước khi thực hiện thủ tục đóng mã số thuế do sáp nhập. Trường hợp sau khi hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế, nếu Công ty có số thuế GTGT đủ điều kiện được hoàn thì Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết hoàn thuế GTGT cho Công ty theo đúng quy định.

 

II/ Về Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN):

1. Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:

a. Nghị định 68/2020/NĐ-CP ngày 24/06/2020 điều chỉnh quy định về chi phí lãi vay:

 

           Ngày 24/06/2020, Chính Phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP liên quan đến chi phí lãi vay được trừ khi xác định nghĩa vụ thuế TNDN.

           Theo đó, quy định tại Nghị định 68/2020/NĐ-CP có những điểm mới như sau:

         (1) Điều chỉnh tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay (sau khi trừ tiền lãi tiền gửi và lãi cho vay) và nâng ngưỡng khống chế từ 20% lên 30%, đồng thời quy định rõ về chi phí lãi vay thuần (lãi vay trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay).

         (2) Quy định thêm một số trường hợp ngoại trừ không áp dụng khống chế chi phí lãi vay ngoài người nộp thuế (ngoài đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm theo quy định trước đây tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP), cụ thể:

+ Các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại;

+ Các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững);

+ Các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên và dự án phúc lợi công cộng khác).

       (3) Cho phép chuyển tiếp trong thời gian không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh đối với khoản chi phí lãi vay không được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tiếp theo thấp hơn mức quy định.

       (4) Áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019, đồng thời việc xác định chi phí lãi vay được trừ sẽ được áp dụng hồi tố cho các kỳ tính thuế năm 2017, 2018.

+ Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017, năm 2018 để xác định chi phí lãi vay, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tương ứng (nếu có) và nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 01 tháng 01 năm 2021

+ Trường hợp khi khai bổ sung, phát sinh số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp thừa (bao gồm cả số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có)) thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020, trường hợp không đủ bù trừ hết thì phần còn lại được bù trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong các năm tiếp theo nhưng tối đa không quá 05 năm kể từ năm 2020.

+ Đối với các trường hợp NNT đã được cơ quan Thuế thanh tra, kiểm tra thì NNT được đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác định lại số thuế phải nộp, tiền chậm nộp tương ứng để thực hiện bù trừ phần chênh lệch theo quy định. Không điều chỉnh số tiền phạt vi phạm hành chính (nếu có).

       (5) Ban hành Mẫu số 01 Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết kèm theo Nghị định 68/2020/NĐ-CP thay thế Mẫu số 01 Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017.

 

b.Công văn số 2835/TCT-TTKT ngày 14/7/2020 về hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định số 68/2020/NĐ-CP:

         Khi áp dụng tính toán lại số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp theo mức trần chi phí phí lãi vay mới tại Nghị định 68/2020, nếu số thuế TNDN giảm thì người nộp thuế sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có), cụ thể:

       (i) Đối với trường hợp chưa qua thanh tra, kiểm tra:

– Người nộp thuế thực hiện bù trừ phần chênh lệch số tiền thuế TNDN và tiền chậm nộp tương ứng vào số thuế TNDN năm 2020.

– Nếu năm 2020 không đủ bù trừ hết thì được bù trừ vào thuế TNDN phải nộp 05 năm tiếp theo kể từ năm 2020.

– Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế TNDN còn lại chưa bù trừ hết.

      (ii) Đối với trường hợp đã thanh tra, kiểm tra và đã có kết luận, quyết định xử lý:

– Người nộp thuế đề nghị Cục thuế, Chi Cục thuế quản lý trực tiếp xác định lại số thuế TNDN phải nộp.

– Sau khi có kết quả cuối cùng thực hiện bù trừ như trường hợp chưa qua thanh tra, kiểm tra nêu trên.

 

2. Công văn số 2955/TCT-CS ngày 23/7/2020 về chính sách thuế TNDN đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng:

–         Chỉ trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng hoặc cho thuê, có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ nhưng chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu (chưa bàn giao bất động sản cho bên mua) mới áp dụng quy định tạm nộp thuế TNDN theo tỷ lệ %/doanh thu thu được tiền. Còn trường hợp doanh nghiệp kinh doanh cơ sở hạ tầng cho thuê lại đất trong KCN thì đã ghi nhận doanh thu (đã bàn giao đất cho bên thuê), chỉ là lựa chọn phương pháp ghi nhận doanh thu một lần hay phân bổ theo thời gian cho thuê; vì vậy không thuộc trường hợp được áp dụng quy định tạm nộp thuế TNDN theo tỷ lệ %/doanh thu thu được tiền tại các Thông tư số 130/2008/TT-BTC, Thông tư số 123/2012/TT-BTC và Thông tư số 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

 

3. Công văn số 2756/TCT-CS ngày 07/7/2020 về thuế thu nhập doanh nghiệp:

–         Số thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh thực tế tại các địa phương trong thời gian hưởng ưu đãi sẽ được xác định trên cơ sở thu nhập chịu thuế tính riêng tại địa phương đó. Trường hợp doanh nghiệp có luân chuyển hàng hóa giữa các chi nhánh hạch toán phụ thuộc để tiếp nối chu trình sản xuất của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập chịu thuế của chi nhánh được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó doanh thu để tính thuế không bao gồm doanh thu luân chuyển nội bộ của doanh nghiệp, việc ghi nhận chi phí được trừ phải tương ứng với doanh thu tính thuế.

–         Trong cùng kỳ tính thuế, doanh nghiệp có phát sinh hoạt động kinh doanh bị lỗ hoạt động kinh doanh có thu nhập thì việc bù trừ vào thu nhập chịu thuế của hoạt động có thu nhập thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 9 Điều 18 thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính nêu trên.

 

4. Công văn số 2765/TCT-DNL ngày 07/7/2020 về thời điểm tính thuế TNDN đối với thu nhập từ đầu tư ra nước ngoài

–         Trường hợp trong năm tài chính theo pháp luật Campuchia và pháp luật Cộng Hòa Séc, các công ty con của Công ty đầu tư phát triển Campuchia đã thực hiện quyền chia cổ tức hoặc lợi nhuận còn lại sau thuế theo Nghị quyết trên cơ sở tỷ lệ góp vốn thì thu nhập phải chuyển về Công ty TNHH Đầu tư phát triển Quốc tế là lợi nhuận còn lại sau thuế TNDN trên báo cáo tài chính riêng của Công ty đầu tư phát triển Campuchia cộng với cổ tức hoặc lợi nhuận còn lại sau thuế được chia theo tỷ lệ góp vốn của các công ty con (không phụ thuộc số cổ tức hoặc lợi nhuận còn lại sau thuế các công ty con đã chuyển về Công ty đầu tư phát triển Campuchia hay chưa). Công ty đầu tư phát triển Campuchia phải chuyển thu nhập về Việt Nam để Công ty TNHH Đầu tư phát triển Quốc tế khai, quyết toán thuế TNDN trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Công ty đầu tư phát triển Campuchia có Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm (không phụ thuộc vào việc Công ty đầu tư phát triển Campuchia đã chuyển hay chưa chuyển thu nhập về Công ty TNHH Đầu tư phát triển Quốc tế).

–         Trường hợp trong năm tài chính theo pháp luật Campuchia và pháp luật Cộng Hòa Séc, các công ty con của Công ty đầu tư phát triển Campuchia chưa thực hiện chia cổ tức hoặc lợi nhuận còn lại sau thuế thì thu nhập phải chuyển về Công ty TNHH Đầu tư phát triển Quốc tế là lợi nhuận còn lại sau thuế căn cứ trên báo cáo tài chính riêng của Công ty đầu tư phát triển Campuchia. Công ty đầu tư phát triển Campuchia phải chuyển thu nhập về Việt Nam để Công ty TNHH Đầu tư phát triển Quốc tế khai, quyết toán thuế TNDN trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Công ty đầu tư phát triển Campuchia có Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm (không phụ thuộc vào việc Công ty đầu tư phát triển Campuchia đã chuyển hay chưa chuyển thu nhập về Công ty TNHH Đầu tư phát triển Quốc tế).

 

5. Công văn số 2774/TCT-CS ngày 08/7/2020 về chính sách thuế TNDN và TNCN đối với khoản tiền hỗ trợ từ Fair Trade:

–         Trường hợp Công ty cổ phần Sản xuất hàng thể thao nhận được khoản tiền hỗ trợ từ Tổ chức thương mại công bằng thế giới (Fair Trade) do đáp ứng đủ điều kiện sản xuất sản phẩm dán nhãn Fair Trade (được cấp Giấy chứng nhận), công nhân của Công ty đủ điều kiện để được hưởng khoản hỗ trợ thì khi Công ty nhận khoản tiền hỗ trợ này được xác định là thu nhập khác khi tính thuế TNDN, người lao động của Công ty được hưởng các lợi ích từ các hoạt động sử dụng quỹ Fair Trade thuộc trường hợp có thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.

 

III/ Về Thuế thu nhập cá nhân (TNCN):

1. Về chính sách thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ nhà, đất của hộ gia đình, cá nhân khi thành viên gia đình sáp nhập tài sản riêng thành tài sản chung.

Tổng cục Thuế có công văn số 2559/TCT-DNNCN ngày 03/07/2020 hướng dẫn chính sách thuế TNCN và LPTB.

Theo đó:

– Về thuế TNCN: Trường hợp việc nhập tài sản riêng (là nhà và quyền sử dụng đất) của chồng thành tài sản chung của vợ chồng không phải là chuyển nhượng hay cho tặng bất động sản không phát sinh thu nhập, do đó không thuộc đối tượng kê khai, nộp thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Trường hợp việc nhập tài sản riêng (là nhà và quyền sử dụng đất) của chồng thành tài sản chung của vợ chồng là chuyển nhượng hay cho tặng bất động sản thì thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 4 Điều 4 Luật Thuế TNCN số 04/2007/QH12 ngay 21/11/2007 của Quốc Hội.

– Về Lệ phí trước bạ: theo quy định tại Điều 2, Điều 3 Nghị định số 140/NĐ-Chính phủ thì trường hợp nhập tài sản riêng của chồng vào tài sản chung của vợ chồng không thuộc trường hợp được miễn LPTB.

 

2. Công văn số 2881/TCT-DNNCN ngày 20/7/2020 về hướng dẫn chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với người nước ngoài đến Việt Nam.

Trường hợp cá nhân là người nước ngoài đến Việt Nam đáp ứng một trong các điều kiện: có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam hoặc có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật cư trú hoặc cá nhân thuê để ở với thời hạn của các hợp đồng thuê tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế thì xác định là cá nhân cư trú.

Trường hợp cá nhân có nhà ở thường xuyên tại Việt Nam nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.

 

3. Công văn số 2748/TCT-DNNCN ngày 03/7/2020 về kê khai bổ sung quyết toán thuế thu nhập cá nhân

– Trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế nếu có số thuế nộp thừa thì được hoàn thuế. Theo đó, trường hợp người lao động Công ty Thuỷ điện Sông tranh quyết toán trực tiếp với cơ quan thuế và đã được hoàn thuế cho kỳ thuế từ năm 2013 đến năm 2016, sau đó phát hiện vẫn còn số tiền thuế nộp thừa, khi có nhu cầu tiếp tục đượchoàn thuế thì người lao động được khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế để đề nghị hoàn thuế theo quy định.

Đề nghị Cục Thuế thành phố Đà Nẵng hướng dẫn người lao động khai hồ sơ quyết toán thuế bổ sung để đề nghị hoàn thuế thu nhập cá nhân cho các kỳ thuế từ năm 2013 đến năm 2016 theo nguyên tắc, người nộp thuế đã khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân lần đầu theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư nào thì khai quyết toán thuế thu nhập bổ sung theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư đó.

– Trường hợp người lao động của Công ty Thuỷ điện Sông Tranh đã được cấp chứng từ khấu trừ thuế để khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân trực tiếp với cơ quan thuế cho các năm từ năm 2013 đến năm 2016 và đã được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế. Khi khai quyết toán thuế bổ sung để đề nghị hoàn thuế cho các năm này, nếu chứng từ khấu trừ thuế đã được cấp có sai sót liên quan đến chỉ tiêu “Tổng thu nhập chịu thuế đã trả”, thì người lao động đề nghị Công ty Thuỷ điện Sông Tranh có văn bản xác nhận việc thay đổi số tiền trên chỉ tiêu “Tổng thu nhập chịu thuế đã trả” và chỉ tiêu “Số thuế thu nhập cá nhân đã khấu trừ” trên chứng từ khấu trừ đã được cấp. Đồng thời, Công ty Thuỷ điện Sông Tranh cam đoan số liệu khai trên văn bản nêu trên là đúng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các số liệu này. Người lao động gửi văn bản này kèm hồ sơ khai quyết toán thuế bổ sung để đề nghị hoàn thuế theo quy định.

 

IV/ Về hóa đơn:

Về hóa đơn điện tử:

           Tổng cục Thuế có công văn số 2580/TCT- CS ngày 23/06/2020 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về hóa đơn điện tử. Theo đó:

            – Về thời hiệu áp dụng hóa đơn điện tử thực hiện theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ.

           Trong thời gian từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020, khi các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin được đáp ứng thì Cơ quan thuế sẽ thông báo các doanh nghiệp, tổ chức chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ, trước khi Cơ quan thuế thông báo thi các doanh nghiệp, tổ chức tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại các Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và Thông tư 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính.

            Khi doanh nghiệp, tổ chức áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ thì thực hiện theo quy định tại Nghị định và theo hướng dẫn tại Thông tư số 68/2019/TT-BTC ngày 30/9/2019 của Bộ Tài chính.

           Theo đó, hiện nay các Doanh nghiệp thực hiện hóa đơn điện tử theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính.

           – Về việc lập hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ:

          Đối với hóa đơn điện tử đang thực hiện căn cứ theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính và ngoài các nội dung cụ thể tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC , các nội dung khác được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ.

V/ Về Lệ phí trước bạ:

        Quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước:

         Ngày 28 tháng 6 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP  quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.

        Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện như sau:

       – Từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020: Mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương.

       – Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi: Mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương.

      – Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.

 

VI/ Về Quản lý thuế:

1. Về việc kê khai thuế trong thời gian tạm ngừng kinh doanh.

       Tổng cục Thuế có công văn số 2621/TCT-KK ngày 26/06/2020 hướng dẫn Cục Thuế tỉnh Ninh Thuận về việc kê khai thuế trong thời gian tạm ngừng kinh doanh.

       Theo đó, Trường hợp người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng kinh doanh phát sinh nghĩa vụ đối với những hoạt động quy định tại Khoản 3 Điều 200 Luật doanh nghiệp 2014 thì phải nộp hồ sơ khai thuế của thời gian tạm ngừng kinh doanh theo đúng quy định.

       Trường hợp người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng kinh doanh phát sinh nghĩa vụ đối với những hoạt động không được quy định tại Khoản 3 Điều 200 Luật doanh nghiệp 2014 thì người nộp thuế phải thông báo với cơ quan nơi đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh về việc tiếp tục kinh doanh trở lại trước thời hạn và phải thực hiện đầy đủ các quy định về khai, nộp thuế theo quy định.

       Từ ngày 01/07/2020, việc quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh thực hiện theo quy định tại Điều 37 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019.

 

2. Công văn số 2842/TCT-KK ngày 15/7/2020 về LPMB đối với trường hợp tạm ngừng kinh doanh

       Trường hợp người nộp lệ phí môn bài thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh qua bộ phận một cửa liên thông thì cơ quan thuế căn cứ kết quả xử lý về đăng ký thuế trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) để xem xét việc không phải nộp lệ phí môn bài của năm tạm ngừng kinh doanh.

       Các trường hợp người nộp lệ phí môn bài không thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh qua bộ phận một cửa liên thông thì cơ quan thuế hướng dẫn người nộp lệ phí môn bài thực hiện thủ tục theo hướng dẫn tại Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 22/2020/NĐ-CP và Điều 21 Thông tư số 95/2016/TT-BTC.

3. Về việc xử lý việc chậm nộp hồ sơ khai thuế, tính thời hạn nộp thuế trong thời gian đại dịch Covid19.

        Tổng cục Thuế có công văn số 2598/TCT- PC ngày 24/06/2020 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về việc xử lý việc chậm nộp hồ sơ khai thuế, tính thời hạn nộp thuế trong thời gian đại dịch Covid19.

Theo đó:

      – Về xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng vi chậm nộp hồ sơ khai thuế: Trường hợp người nộp thuế là tổ chức, cá nhân có trụ sở doanh nghiệp, địa chỉ (thường trú, tạm trú) nằm trong vùng bị cách ly, khu vực bị cách ly, cá nhân thuộc đối tượng bị cách ly theo quyết định, thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do dịch bệnh Covid-19 nếu phát sinh nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế nhưng do bị cách ly (bao gồm cả thời gian cách ly toàn xã hội theo các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, cách ly theo vùng, khu vực theo quyết định của cơ quan chính quyền địa phương, cách ly theo quyết định, thông báo của cơ quan, nhà nước có thẩm quyền) không thể thực hiện nộp hồ sơ khai thuế theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến chậm nộp hồ sơ khai thuế thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính. Hết thời gian cách ly, nếu người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế thì xác định số ngày chậm nộp kể từ ngày kết thúc cách ly theo từng trường hợp cụ thể.

      – Về tính thời hạn nộp tiền thuế: Để tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ về thuế và các khoản thu ngân sách khác, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nộp thuế nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trường hợp người nộp thuế là tổ chức, cá nhân có trụ sở doanh nghiệp, địa chỉ (thường trú, tạm trú) nằm trong vùng bị cách ly, khu vực bị cách ly, cá nhân thuộc đối tượng bị cách ly theo quyết định, thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do dịch bệnh Covid-19 nếu phát sinh nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế nhưng do bị cách ly (bao gồm cả thời gian cách ly toàn xã hội theo các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, cách ly theo vùng, khu vực theo quyết định của cơ quan chính quyền địa phương, cách ly theo quyết định, thông báo của cơ quan, nhà nước có thẩm quyền) là khoảng thời gian trở ngại khách quan. Nếu trong thời gian trở ngại khách quan, người nộp thuế phát sinh nghĩa vụ nộp thuế và các khoản thu ngân sách khác theo Thông báo của cơ quan thuế thì thời hạn nộp trên Thông báo được kéo dài tương ứng số với số ngày người nộp thuế bị cách ly.

 

4. Về thủ tục xử lý nợ thuế:

          Ngày 15/7/2020, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư 69/2020/TT-BTC về hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội.

         Theo đó, hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp với người nộp thuế bị phá sản, bao gồm:

         – Văn bản đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế nơi NNT nợ tiền thuế theo mẫu số 01/VBĐN ban hành kèm theo Thông tư 69/2020;

         – Thông báo của Tòa án có thẩm quyền về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc Quyết định mở thủ tục phá sản hoặc Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án nhưng NNT chưa được xử lý xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế (bản chính hoặc bản sao có chứng thực);

        – Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (nếu có);

        – Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp hoặc văn bản xác nhận số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp NNT đang nợ đến thời điểm ngày 30/6/2020 của cơ quan quản lý thuế;

       – Văn bản xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi NNT đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh về việc NNT không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký trừ trường hợp NNT đã có Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án;

       – Văn bản công khai danh sách NNT được đề nghị xóa nợ theo mẫu số 01/CK ban hành kèm theo Thông tư 69/2020.

         Thông tư 69/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

 

5. Công văn số 2697/TCT-KK ngày 01/7/2020 về khai thuế đối với địa điểm kinh doanh của DN khác tỉnh với đơn vị chủ quản

        Trường hợp Công ty và khách hàng có hợp đồng thỏa thuận sử dụng tên, địa chỉ và mã số thuế của Công ty trên hóa đơn, chứng từ của hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra liên quan trực tiếp đến địa điểm kinh doanh, thì:

        Nếu bên bán chưa lập hóa đơn, chứng từ thì hai bên bổ sung phụ lục hợp đồng để ghi thông tin theo đúng nội dung hướng dẫn lập hóa đơn tại công văn số 405/TCT-KK ngày 4/2/2020 của Tổng cục Thuế.

        Nếu bên bán đã lập hóa đơn, chứng từ theo tên, địa chỉ và mã số thuế của doanh nghiệp thì doanh nghiệp tự xác định các hóa đơn, chứng từ phục vụ cho hoạt động của địa điểm kinh doanh để khai thuế cho địa điểm kinh doanh.

VII/ Vấn đề khác có liên quan:

1. Quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan:

        Ngày 15/06/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.

       – Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 8 năm 2020.

        – Nghị định này bãi bỏ các quy định tại: điểm c khoản 1 Điều 9, điểm c khoản 1 Điều 13, khoản 3 Điều 19, khoản 3, khoản 4 Điều 25, điểm c khoản 1 Điều 34 Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan; cụm từ “tập trung như” tại điểm 3 khoản 2 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ.

 

2. Về việc kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp:

        Ngày 10/06/2020 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 107/2020/QH14 về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24 tháng 11 năm 2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội.

        Theo đó, Thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp: Kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24 tháng 11 năm 2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025.

       – Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

 

3. Về xử lý vi phạm đối với thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt

       Công văn số 2836/TCT-PC ngày 14/7/2020 về xử lý vi phạm đối với thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt: Căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 1 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:

“1. Nghị đinh này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

3. Các hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh bảo vệ môi trường mà không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.”

Như vậy, trường hợp vi phạm về phí bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực nước thải sinh hoạt thực hiện xử phạt theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Đối với các hành vi không quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP thì sẽ áp dụng các quy định Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, Nghị định số 49/2016/NĐ-CP nêu trên và các văn bản xử phạt khác có liên quan.

 

4. Công văn số 2628/TCT-DNL ngày 26/6/2020 về xử lý phần chi không hết của Quỹ phát triển KH&CN tại VNPT

         Thực tế từ năm 2015 đến hết ngày 31/12/2019, Kho bạc Nhà nước không phát hành tín phiếu kho bạc kỳ hạn một năm (52 tuần) và ngày phát hành gần nhất tín phiếu kho bạc loại kỳ hạn này là ngày 19/8/2014 với mức lãi suất là 4,59%/năm. Do vậy, trường hợp của VNPT nếu phải hoàn nhập Quỹ KHCN không sử dụng hết vào thời điểm 31/12/2019 thì áp dụng lãi suất tính lãi đối với số thuế thu hồi tính trên phần Quỹ KHCN (khi chưa sử dụng hết 70% phần quỹ trích năm 2014) theo lãi suất tín phiếu kho bạc loại kỳ hạn 52 tuần đương đương 01 năm) gần nhất trước thời điểm tính lãi là vào ngày 19/8/2014 với mức lãi suất là 4,59%/năm.

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin tức liên quan